Có ai đó đã từng nói rằng: “Hạnh phúc là sự vắng mặt của những khổ
đau.” Câu nói này có vẻ như thật dễ chấp nhận mà không gây ra bất cứ sự
tranh cãi nào, bởi nó thể hiện một cách rõ ràng tính cách tương đối của
cuộc sống mà không ai trong chúng ta lại không dễ dàng nhận thấy.
Nhưng nếu nhìn sâu vào vấn đề, phát biểu nêu trên quả thật chẳng mang
lại chút ý nghĩa tích cực nào, bởi nó hoàn toàn mang tính cách của một
nhận xét bàng quan. Hơn thế nữa, nhận xét trên còn có thể xem là hết sức
bi quan khi có vẻ như người nói đã mặc nhiên chấp nhận một sự thật
không mong muốn. Từ cách nhìn này, người ta chỉ có thể mong đợi những
phút giây gọi là hạnh phúc nhưng hoàn toàn không biết được chúng từ đâu
đến hoặc có thể đạt được chúng như thế nào. Tuy nhiên, điều không may là
tính chất tiêu cực và bi quan này lại dường như mô tả đúng với những gì
đang diễn ra trong cuộc sống của hầu hết chúng ta.
Thật ra, những điều nêu trên hoàn toàn có những nguyên nhân sâu xa của
nó. Một khi chúng ta không làm chủ được chính mình trong mỗi tư tưởng và
hành động, thì tính chất tùy tiện, phụ thuộc vào thời vận của những gì
mà chúng ta nhận được là điều tất nhiên không sao tránh khỏi.
Nhìn từ khía cạnh vật chất, chúng ta sẽ dễ dàng nhận rõ vấn đề hơn. Khi
bạn thực hiện một công việc mà không nắm chắc được sẽ làm như thế nào,
cũng không nắm chắc được các yếu tố tác động vào công việc, điều tất
nhiên là bạn không thể biết chắc được về kết quả công việc. Chẳng hạn,
một nông dân không thể biết chắc việc thu hoạch sẽ ra sao nếu không hiểu
rõ về phương pháp chăm sóc cho từng loại cây trồng, không hiểu rõ về
giống cây trồng, về thời tiết, đất đai... và tất cả những yếu tố liên
quan đến vụ mùa.
Về mặt tinh thần, vấn đề có thể là trừu tượng, khó nắm bắt hơn, nhưng
cũng tương tự như thế. Mỗi một tư tưởng, hành vi khác nhau của chúng ta
mang lại những kết quả khác nhau cho tinh thần, tác động khác nhau đến
tâm trạng của chúng ta. Nếu chúng ta không hiểu rõ hoặc không quan tâm
đến điều này, những gì chúng ta đạt đến về mặt tinh thần tất nhiên là sẽ
không sao nắm chắc được, cũng như chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể làm
chủ được tâm trạng của mình.
Từ rất xa xưa, những trí tuệ lớn của nhân loại đều đã sớm nhận ra điều
này. Vấn đề mà các bậc thầy về tư tưởng đã để lại cho chúng ta không
phải là cách thức làm sao để tạo ra được nhiều của cải vật chất, tiền
tài danh vọng... mà là những phương thức để có thể tự chế phục được
chính mình, hiểu rõ và nắm chắc được những gì mình làm. Bởi vì, các vị
ấy biết rõ rằng chỉ bằng cách này con người mới có thể đạt được hạnh
phúc thật sự trong cuộc sống. Khổng tử nói: “Thắng được người khác là có
trí, thắng được chính mình mới là mạnh mẽ.” (Thắng nhân giả trí, tự
thắng giả cường.) Trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy:
“Dù ở bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Không bằng tự thắng mình,
Thật chiến thắng tối thượng.”
Tất cả các tôn giáo đều dạy người “làm lành, lánh dữ”. Điều này như một
nguyên tắc căn bản nhất để đạt đến cuộc sống tinh thần tốt đẹp hơn, cho
dù mỗi người có thể hiểu mục đích của việc này theo cách không giống
nhau. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều chỉ nghĩ đến những kết quả xa xôi
trong tương lai mà ít khi thấy được rằng chính những gì đạt được trong
hiện tại mới là dụng ý của người xưa.
Sự phân biệt “lành” và “dữ” là một cách phân chia rõ nét và dễ hiểu nhất
để chỉ rõ những gì là “có lợi” và “có hại” cho tinh thần. Khi chúng ta
làm một việc lành, tâm hồn chúng ta thanh thản, an vui. Khi chúng ta làm
một điều ác, trong lòng chúng ta bứt rứt bất an. Mức độ tác động cụ thể
của từng sự việc có thể khác nhau, nhưng về mặt nguyên tắc chung, chúng
ta có thể hiểu nôm na về những điều lành, điều dữ là như thế. Điều lành
giúp ta đạt đến tâm hồn thanh thản, nghĩa là có lợi. Ngược lại, điều dữ
dẫn ta đến tâm trạng nặng nề, bất an, nghĩa là có hại.
Nhưng nói như thế là chúng ta đã đơn giản hóa vấn đề để cho mọi việc trở
nên dễ hiểu. Trong thực tế, những hành vi, tư tưởng của chúng ta phức
tạp hơn nhiều, và có vô số những sự việc, ý tưởng mà chúng ta có thể sẽ
băn khoăn không biết nên xem là lành hay dữ, hoặc thậm chí có thể là
chẳng thuộc về bên nào cả. Nói cách khác, ta không xác định được chúng
là có lợi hay có hại cho ta về mặt tinh thần.
Khi chúng ta hiểu đúng về tác động của mỗi hành vi, tư tưởng đối với
tinh thần, tâm trạng của chúng ta, đồng thời làm chủ được mọi hành vi,
tư tưởng của mình, chúng ta sẽ có thể chọn lọc chỉ suy nghĩ và làm những
gì có lợi. Và điều đó tất yếu sẽ mang lại cho chúng ta một tâm trạng an
vui, hạnh phúc.
Nguyên tắc này nghe có vẻ vô cùng đơn giản, nhưng việc thực hiện thật ra
không đơn giản chút nào. Để hiểu đúng về tất cả những hành vi, tư tưởng
và tác động của chúng, ta cần có một trí tuệ sáng suốt và quá trình học
hỏi không ngừng. Để làm chủ được mọi hành vi, tư tưởng của chính mình,
ta cần có một ý chí mạnh mẽ và quá trình rèn luyện lâu dài. Hai yếu tố
này sẽ đòi hỏi nỗ lực của cả một đời người để vươn đến. Nhưng chúng mang
lại những kết quả tốt đẹp cho mỗi chúng ta ngay trong quá trình học hỏi
và rèn luyện, vì thế chúng hoàn toàn xứng đáng để ta theo đuổi.
Nhưng tính chất đơn giản của vấn đề như vừa nêu trên cho chúng ta thấy
được là bất cứ ai trong chúng ta cũng có quyền hướng đến một cuộc sống
hạnh phúc. Và điều đó hoàn toàn không phụ thuộc vào xuất thân của mỗi
người. Người giàu và người nghèo, da màu hay da trắng, tôn giáo này hay
tôn giáo khác... tất cả đều có cơ hội như nhau trong việc đạt đến hạnh
phúc trong cuộc sống. Bởi vì, như chúng ta đã thấy, những yếu tố để có
được hạnh phúc luôn sẵn có nơi mỗi con người. Vấn đề chỉ là chúng ta có
biết vận dụng để theo đuổi mục đích này hay không mà thôi.
Những gì chúng ta sẽ bàn đến trong tập sách này sẽ không đi ngoài nguyên
tắc trên. Nhưng chúng ta sẽ xem xét đến từng khía cạnh một cách cụ thể,
sao cho nó có thể thực sự trở thành vấn đề của mỗi người trong tất cả
chúng ta mà không phải là một cái gì đó quá xa vời. Chúng ta sẽ tìm hiểu
một cách chi tiết về việc những tư tưởng, hành vi sẽ chi phối như thế
nào đến yếu tố tinh thần, tâm trạng của chúng ta. Chúng ta sẽ bàn đến
những phương thức có thể vận dụng để rèn luyện, chế phục thân tâm, giúp
chúng ta dần dần đạt đến sự tự chủ hoàn toàn trong mọi hành vi, tư tưởng
của chính mình. Nhưng quan trọng hơn hết, chúng ta sẽ nhận rõ một điều
là mọi nguyên tắc hay phương thức được nêu ra vẫn chỉ là lý thuyết, và
việc thực hành để đạt đến kết quả cụ thể vẫn là công việc của mỗi người.
Cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta đang trôi qua. Mỗi giây phút đều có
hàng ngàn con người được sinh ra trong thế giới này. Một số trong đó chỉ
sống được vài ngày hay vài tuần rồi chết đi vì bệnh tật hay những điều
không may khác. Một số khác sẽ có một đời sống lâu dài hơn, nếm trải đủ
các mùi vị mà cuộc sống mang lại: thành công, thất bại, niềm vui, nỗi
buồn, oán hận, yêu thương... Nhưng cho dù chúng ta có sống trong một
ngày hay kéo dài một thế kỷ thì vấn đề trọng tâm vẫn luôn đặt ra là: Mục
đích của đời sống là gì? Sống như thế nào mới là có ý nghĩa?
Như trên đã nói, hạnh phúc không phải là một đặc ân dành riêng cho bất
cứ ai, mà là một món quà đi kèm theo với đời sống của tất cả chúng ta.
Mỗi người đều có thể đạt đến và cảm nhận được hạnh phúc chân thật trong
cuộc sống quý giá này, miễn là chúng ta thực sự mong muốn điều đó và có
nỗ lực đúng hướng. Sống và tận hưởng mọi giá trị chân thật của đời sống,
đó chính là tất cả những gì mà mỗi người trong chúng ta đều nhắm đến.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét