Những ngày qua, thời tiết oi bức của mùa hè làm tăng đáng kể số lượng người già nhập viện do các bệnh về say nắng, say nóng, tim mạch, bệnh về hô hấp, rối loạn điện giải…
|
Rất nhiều người già đối diện với nguy cơ đột
quỵ…Báo GĐ&XH Cuối tuần đã nhận được nhiều ý kiến, bày tỏ lo ngại về
những căn bệnh nguy hiểm luôn rình rập người già và làm thế nào duy trì
ổn định sức khỏe cho người cao tuổi trong điều kiện thời tiết khắc
nghiệt của mùa hè. Để giúp độc giả có phương pháp hữu hiệu cho mùa hè an
toàn khỏe mạnh, chúng tôi xin chia sẻ tư vấn của Ths.BS Nguyễn Trung
Anh (Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa Trung ương) về một số bệnh
dễ xuất hiện trong mùa hè và cách hạn chế chúng phát tác.
Một số bệnh thường gặp khi thời tiết nóng nực
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, về mùa hè, bệnh nhân bao giờ cũng tăng hơn các mùa khác trong năm. Cụ thể, bệnh nhân bắt đầu đến khám tăng từ tháng 5 và cao lên vào tháng 8, thông thường tăng từ 130% đến 150% số bệnh nhân so với trước. Trong đó, chủ yếu là các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, bệnh về hô hấp, viêm da dị ứng gây ngứa và bệnh đường tiêu hóa v.v… Nguyên nhân là nhiệt độ tăng quá cao, trong khi sức đề kháng của người cao tuổi giảm, dễ làm tăng các căn bệnh ở người già…
Ở người cao tuổi, sức đề kháng của cơ thể ngày một giảm dần, chức năng của các cơ quan cũng yếu đi, phản xạ thần kinh không được nhanh nhạy nên dễ bị bệnh. Mùa hè nóng nực, người cao tuổi ra mồ hôi nhiều. Nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh, khiến cơ thể dễ bị mất nước và rối loạn chất điện giải. Khi tuổi tác tăng cao, cảm giác khát cũng bị hạn chế hơn bởi trung tâm báo khát trên não thái hóa theo thời gian, người già không thấy khát và ngại uống nước.
Sự mất nước và chất điện giải liên tục trong nhiều
giờ, nhiều ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch, với các biểu hiện
như: tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tăng. Hơn nữa đối với người
cao tuổi, khi cơ thể bị mất nước và chất điện giải thì khả năng tự điều
chỉnh trở nên rất khó khăn. Hiện tượng này xảy ra nếu nhẹ thì làm cho cơ
thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, bủn rủn tay chân, chóng quên và hay
cáu gắt; nặng hơn có thể dẫn đến truỵ tim mạch.
Về mùa hè, người cao tuổi cũng có thể bị cảm lạnh do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý. Chẳng hạn: Đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay, nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi; nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi. Đối với người cao tuổi nếu có bệnh tăng huyết áp mà tắm nước lạnh một cách đột ngột rất có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Khi thời tiết quá nóng bức, oi nồng thì ở người cao tuổi dễ khiến huyết áp tăng cao, không kiểm soát được khiến họ dễ bị tai biến và đột quỵ.
Rối loạn tiêu hóa cũng là bệnh khiến người cao tuổi rất dễ mắc phải vào mùa nắng do chế độ ăn, uống như việc ăn rau sống, uống nước đá nhiễm khuẩn. Rối loạn tiêu hóa thường dẫn đến tiêu chảy cũng làm cho cơ thể người cao tuổi bị mất nước và chất điện giải nên hậu quả cũng sẽ là mạch nhanh, huyết áp tụt, thậm chí truỵ tim mạch. Do chế độ ăn uống trong mùa hè, một số người thường bị đầy hơi, chướng bụng, ậm ạch rất khó chịu. Hệ quả của việc mất nước khiến bệnh táo bón cũng dễ xảy ra do lượng nước uống vào không đủ.
Đối với người cao tuổi, vào mùa nắng nóng, các bệnh ngoài da như viêm da dị ứng gây ngứa rất dễ xuất hiện. Sự thay đổi nhiệt độ của mùa hè kèm theo sức đề kháng giảm là những điều kiện tốt cho các loại virus gây bệnh như sốt vi rút, sốt siêu vi trùng, zona tái hoành hành. Ngoài làm cho da tổn thương có khi gây bội nhiễm, bệnh này khiến cho người cao tuổi đau nhức khó chịu và kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng. Hơn nữa, mùa hè nóng bức khiến một số người cao tuổi có thói quen dùng máy điều hòa nhiệt độ thấp và kéo dài nhiều giờ, nhất là ban đêm. Điều này cũng có thể làm tăng thêm nguy cơ của bệnh đột quỵ do lạnh.
Mặt khác, mùa hè khiến nhiều người rất cần đến các loại nước giải khát, trong đó có loại chứa chất cồn (bia). Những người có các bệnh về tim mạch mà sử dụng bia quá mức cho phép cũng rất dễ dẫn đến một số bệnh nguy hiểm thuộc về tim mạch và đột quỵ và thường xảy ra vào chiều tối hoặc nửa đêm về sáng, lúc mà thân nhiệt có nhiều thay đổi. Thời tiết nóng nực khiến người cao tuổi dễ bị say nóng và thường gặp vào buổi xế chiều, có nhiều tia hồng ngoại. Còn say nắng hay gặp vào lúc giữa trưa, khi trời nắng gay gắt, có nhiều tia tử ngoại và có thể gây tử vong. Ngoài ra, một số bệnh như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng của người cao tuổi.
Mùa hè an toàn, khoẻ mạnh
|
Ths.BS Nguyễn Trung Anh. Ảnh TG
|
Để phòng tránh các bệnh trong mùa hè, người bệnh phải chủ động bảo vệ sức khỏe của mình. Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức khỏe cho cơ thể, ăn nhiều rau tươi, hoa quả tươi. Nên ăn những thức ăn dễ tiêu, có tính mát, ăn nhiều trái cây, rau xanh, đặc biệt là trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn nhiều cháo súp. Nên uống đủ nước từ 1,2l đến 1,5l trong ngày, kể cả không khát vẫn phải uống.
Những ngày này, người cao tuổi cần tập thể dục phù hợp với sức khỏe vào buổi sáng sớm khi trời còn mát mẻ, vì mùa hè không sợ bị lạnh nữa, nhưng cũng không nên ở ngoài trời quá muộn khi ánh nắng đã bắt đầu gay gắt. Tránh các vận động làm mệt cơ một cách quá mức và ra mồ hôi quá nhiều. Lưu ý khi đi chơi hay đi tập, nên mang theo chai nước để uống. Để trải qua mùa hè an toàn, khi trời nắng nóng, người cao tuổi không nên đi ra ngoài, tốt nhất ở nơi mát để tránh tai biến. Nếu có điều kiện nên để người già nằm ở tầng 1, dùng phòng có điều hòa nhưng chỉ nên điều chỉnh ở nhiệt độ vừa phải từ 26 đến 28 Co, không nên để quá lạnh khiến cơ thể không kịp thích nghi được với nhiệt độ môi trường nếu đột ngột đi ra ngoài.
Ăn uống giữ gìn, vệ sinh sạch sẽ cơ thể, tay chân và an toàn thực phẩm để tránh nguy cơ tiêu chảy. Khi mắc tiêu chảy nhẹ thì có thể bù bằng nước đường. Chỉ uống Oresol khi tiêu chảy gây mất nhiều nước và pha đúng liều lượng theo hướng dẫn. Nếu pha quá loãng hay quá đặc đều không tốt, thậm chí nếu pha đặc sẽ nguy hiểm vì gây rối loạn chất điện giải. Không nên tự ý truyền dịch hay sử dụng kháng sinh mà phải theo chỉ định của bác sĩ. Về việc uống thuốc, không nên tự ý điều chỉnh thời gian uống, tốt nhất nên tuân theo chỉ định, nếu muốn thay đổi phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Khi người cao tuổi có dấu hiệu say nắng, ban đầu sẽ làm các hiển hiện như vã mồ hôi, nhức đầu, khó chịu, mặt đỏ nhừ, cảm giác nghẹt thở, có khi đau bụng, nôn mửa. Sau đó là triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, sốt cao có khi lên tới 42 – 44 Co, da niêm mạc khô kèm theo trụy mạch. Người bệnh li bì, giãy giụa, lẫn lộn, mê sảng, cuối cùng là hôn mê, co giật… Cần xử trí sơ cứu ngay bằng cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước, càng sớm càng tốt. Đặt nạn nhân nằm chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, cho uống nước lạnh có muối, chườm lạnh bằng nước đá khắp người, chườm trán và gáy.
Bên cạnh đó, người cao tuổi vốn đã khó ngủ, ngày hè càng khó ngủ hơn. Để giữ gìn sức khoẻ, cần cố gắng ngủ đều độ, ít nhất 6 – 8 tiếng mỗi ngày, tránh thức khuya, không xem tivi hoặc đọc sách báo khuya. Để có thể ngủ được, cần tập trung suy nghĩ về một vấn đề nào đó, tránh suy nghĩ miên man. Ngoài ra, khi phải ra đường, nên che nắng chu đáo bằng mũ nón rộng vành, kính râm, áo khoác chống nắng, ô dù...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét